Mặc dù cách thức truyền thống khuyên chúng ta nên tuân theo công thức 60/30/10, trong đó 60% nội dung được thiết kế nhằm mục đích giải trí, 30% cho việc truyền cảm hứng, và 10% là nội dung quảng cáo, tuy nhiên, chỉ chừng đó vẫn là chưa đủ đối với một chiến dịch tiếp thị.
Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng yếu tố tương tác với thương hiệu có thể tạo ra tác động thực sự đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Theo dữ liệu năm 2012 mà comScore cung cấp, 38% lượng người mua sản phẩm của Starbucks là các fan của thương hiệu này trên Facebook, 19% fan của Target đã thực hiện mua hàng sau khi tiếp xúc với các thông điệp quảng cáo của hãng cũng trên mạng xã hội này. Vậy làm cách nào để chúng ta tạo ra nội dung chứa 60% mục đích giải trí và 30% mục đích truyền cảm hứng?
Thiết kế chiến lược nội dung để tạo ra mức độ tương tác với người dùng, tăng hiệu quả cho doanh nghiệp là việc làm vô cùng quan trọng.
Nhóm các thành viên đến từ Đại học Stanford và Đại học Pennsylvania đã công bố những phát hiện của mình trong một nghiên cứu gần đây liên quan đến mức độ ảnh hưởng của nội dung truyền thông xã hội và sự tham gia tương tác của khách hàng. Trong nghiên cứu được tiến hành thông qua Facebook, thành viên Dokyun Lee và Kartik Hosanagar của Đại học Pennsylvania, và Harikesh Nair của Đại học Stanford đã nghiên cứu và chỉ ra những loại nội dung có hiệu quả hơn trong việc khiến người dùng mục tiêu tương tác với thương hiệu trên mạng truyền thông xã hội.
Dưới đây là một số câu hỏi quan trọng mà nhóm nghiên cứu đã cố gắng tìm ra lời giải đáp:
- Các bài viết cung cấp thông tin về đặc điểm, giá cả của sản phẩm có nhận được phản hồi tích cực của người dùng hơn so với những thông điệp mang tính nhân đạo?
- Các bài viết được thiết kế để thu hút người dùng có thực sự phát huy vai trò chủ đạo này hay không?
- Làm thế nào để đa dạng hóa chiến lược nội dung giữa các ngành công nghiệp khác nhau?
- Do chỉ có khoảng 1% người hâm mộ của một trang web tương tác thực sự với các thương hiệu thông qua bình luận, thích, hoặc chia sẻ bài viết, vậy làm thế nào để nội dung có thể cải thiện mức độ tương tác của người dùng với thương hiệu đó?
Thông qua quá trình nghiên cứu và phân tích cẩn thận, kỹ lưỡng, nhóm đã tiến hành khảo sát hơn 800 công ty và hơn 100.000 thông điệp quảng cáo để tìm ra những phát hiện có thể ứng dụng rộng rãi cho các loại hình doanh nghiệp và các ngành đa dạng.
Dưới đây là 7 phát hiện chính trong nghiên cứu trên cùng với những hành động đề xuất để bạn có thể tham khảo và sử dụng để tăng tương tác với người dùng và tạo ra một số lượng fan đáng kể.
1. Nội dung thuyết phục có mức độ tương tác cao nhất
Phát hiện
Nội dung thuyết phục, hoặc nội dung tạo dựng quan hệ như những câu chuyện đùa cợt nho nhỏ chính là yếu tố có sức thu hút người dùng tương tác cao nhất, đặc biệt nếu nội dung đó hàm chứa tình cảm mạnh mẽ hay một ý nghĩa nhân đạo nào đó.
Những nội dung thú vị, mang tính nhân văn sâu sắc và những nội dung có cảm xúc có thể hiệu quả, thu hút người dùng hơn so với những nội dung hài hước.
Hành động đề xuất
Hãy thể hiện tính cách của thương hiệu mình thông qua những câu đùa dí dỏm và các cuộc đàm thoại nhỏ hấp dẫn để những người theo dõi biết được và hình thành liên kết cảm xúc với thương hiệu.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng hình thức chia sẻ những thông tin thực tế thú vị, những bài viết cảm động, hoặc chia sẻ thông tin cá nhân của bản thân. Đừng ngại thảo luận về những giá trị mà bạn ủng hộ, cách tốt nhất là hãy hỗ trợ một tổ chức từ thiện nào đó, điều này sẽ khiến đối tượng độc giả của bạn quan tâm hơn. Hãy sử dụng sức mạnh nhân đạo để đưa cộng đồng của bạn đến gần nhau hơn.
Dưới đây là một ví dụ tuyệt vời mà hãng bán lẻ lớn nhất thế giới Walmart đã thực hiện.
Nội dung thuyết phục trên facebook giúp tăng doanh thu cho Walmart
2. Nội dung thông tin tạo ra tác động tiêu cực đến mức độ tương tác
Phát hiện
Nội dung thông tin, đặc biệt là những nội dung đề cập đến giá cả, giao dịch, hoặc các tính năng sản phẩm thường tạo ra tác động tiêu cực đến mức độ tương tác của người dùng với thương hiệu. Tuy nhiên, sự pha trộn giữa nội dung thuyết phục với nội dung thông tin trong cùng một thông điệp có thể ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực này.
Hành động đề xuất
Hãy xem xét cẩn thận những thông điệp khi bạn muốn chia sẻ nội dung đó đến với người dùng của mình.
Chỉ có một cách để bạn bổ sung yếu tố thú vị cho nội dung? Bạn có thể tinh tế hơn khi đưa ra các thông điệp quảng cáo hoặc bạn cũng có thể thêm vào yếu tố cảm xúc để liên kết người dùng mục tiêu và thu hút họ quan tâm hơn?
Trong ví dụ dưới đây, Amazon đã sử dụng yếu tố tình cảm đó là sự hoài niệm về quá khứ khi xúc tiến sản phẩm đồ chơi LEGO của mình trên mạng xã hội, đây quả là một chiến lược tuyệt vời mà bạn cần học hỏi:
Cách tạo nội dung trên facebook thông minh của Amazon
3. Đề cập đến kỳ nghỉ lễ sẽ làm giảm mức độ tương tác
Phát hiện
Đề cập đến kỳ nghỉ lễ thực sự làm giảm khả năng tương tác của người dùng tới thương hiệu của bạn, nhưng trong lý thuyết của nghiên cứu này, các tác giả cho biết do nhiều thương hiệu cùng đề cập đến kỳ nghĩ lễ trên Facebook nên đã dẫn đến tình trạng bão hòa thông tin, từ đó làm giảm tính hiệu quả của thông điệp quảng cáo.
Hành động đề xuất
Bằng mọi cách, bạn không nên né tránh việc đề cập đến kỳ nghỉ lễ trong chiến dịch tiếp thị quảng cáo của doanh nghiệp mình, nhưng hãy nhớ chỉ nên thực hiện nó ở một chừng mực nhất định. Hãy cố gắng nghĩ ra những góc độ khác biệt để có thể thu hút lượng người dùng lớn hơn đến với thương hiệu mình.
Ví dụ, Old Spice đã thực hiện một bộ phim hoạt hình hài hước để thông báo về kỳ nghỉ lễ Halloween:
Nội dung trên facebook để thông báo kì nghỉ là một phim hoạt hình
4. Ít hơn lại là nhiều hơn
Phát hiện
Những thông điệp quá dài và phức tạp sẽ làm giảm tỷ lệ tương tác của người dùng với thương hiệu. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng độc giả thích bấm like và comment cho những nội dung ngắn gọn và súc tích hơn.
Hành động đề xuất
Hãy sử dụng những luận điểm, những câu châm ngôn ngắn gọn cho nội dung thông điệp của mình. Hãy kiểm tra độ dài ngắn khác nhau của thông điệp để tìm ra mức độ tốt nhất có thể áp dụng, tuy nhiên những nội dung súc tích mà không bị cắt bỏ liên kết “đọc thêm” sẽ dễ dàng hơn cho những người dùng muốn đọc và tương tác với chúng.
Dưới đây là ví dụ về bài viết của kênh truyền hình National Geographic:
Nội dung trên facebook nên ngắn gọn và súc tích
5. Tạo yếu tố tương tác cho bài viết
Phát hiện
Hãy đưa ra những bài viết theo kiểu đặt câu hỏi hoặc điền vào chỗ trống để gia tăng ý kiến, bình luận của người đọc. Những thông điệp kiểu này thậm chí còn hiệu quả hơn cả những câu hỏi nhằm mục đích cải thiện lượt comment của người dùng.
Hành động đề xuất
Hãy tạo cho bài viết của mình hấp dẫn hơn bằng cách sáng tạo những nội dung tương tác với người dùng.
Độc giả sẽ phản hồi cực kỳ tốt đối với những câu đố nhỏ kiểu như tìm đáp án cho một câu hỏi dạng điền vào chỗ trống. Đây là một cách chắc chắn để bạn có được câu trả lời của người dùng.
Hãy đảm bảo rằng bạn có hồi đáp lại những bình luận của mọi người để duy trì mức độ tương tác qua lại và tạo ra một cuộc đối thoại giữa thương hiệu với người dùng.
Dưới đây là một số ví dụ tuyệt vời liên quan để bạn có thể tham khảo:
Tương tác với người dùng trên facebook bằng những câu hỏi
Câu hỏi người dùng của Amazon trên facebook
6. Đưa ra đề nghị hành động
Phát hiện
Đề xuất mọi người like nội dung bài viết chính là cách để gia tăng lượt like trên mạng xã hội, bạn có thể thực hiện tương tự khi đưa ra đề xuất người dùng thực hiện một hành động nào đó (có thể không đi kèm với đề xuất like).
Hành động đề xuất
Hãy in đậm yêu cầu hành động mà bạn muốn người dùng thực hiện. Hãy đưa ra những lý do thú vị tại sao họ nên thích hay ủng hộ bài viết đó.
Nội dung kêu gọi hành động nhằm mục đích nói cho người dùng biết những gì thương hiệu mong muốn họ thực hiện để gia tăng cơ hội cho chính bản thân khi thực hiện theo những chỉ dẫn hành động của doanh nghiệp.
Tương tác với người dùng bằng những lời kêu gọi
7. Sử dụng hình ảnh
Phát hiện
Trong tất cả các loại nội dung, hình ảnh thường thu được nhiều bình luận và lượt like nhất, thậm chí nó còn vượt qua cả video và cập nhật trạng thái.
Hành động đề xuất
Hãy sáng tạo những hình ảnh ngộ nghĩnh thông qua công nghệ Photoshop thay vì chỉ đăng một bài viết đơn giản với văn bản đơn thuần. Hãy sử dụng những hình ảnh minh họa truyền cảm hứng thú vị để thu hút sự chú ý và quan tâm của người dùng.
Dưới đây là một thông điệp quảng cáo tuyệt vời có sử dụng hình ảnh của thương hiệu Rosetta Stone:
Hình ảnh là một trong những cách tương tác với người dùng tốt nhất trên facebook
Tóm tắt
Hãy xem xét cẩn thận những phát hiện trong nghiên cứu này, hãy nhớ rằng việc pha trộn các thông điệp quảng cáo trên cùng một trang web cũng vô cùng quan trọng. Nếu đột nhiên tất cả các nội dung của cùng một thương hiệu được đăng trên Facebook chỉ mang mỗi yếu tố nhân đạo, nó có thể gây ra tác động ngược lại và không duy trì hình ảnh đúng đắn của thương hiệu hoặc sự quan tâm của khách hàng. Hãy thử nghiệm và đưa ra một chiến lược phù hợp nhất cho người dùng mục tiêu của mình.
Biên tập và dịch thuật: Xuan Trung